Truyện ngắn: Những người không chịu lớn
– Siêng thế! – Thầy Linh nhìn chằm chằm vào chồng sách vở của Minh thán phục. Minh chẳng khác gì cô lớp phó học tập ngày xưa, núp sau tán cây si mà ôn bài cả buổi. Linh cầm một cuốn sách lên, say sưa ngắm những nét chữ mảnh khảnh đều đặn. Có một thời Linh cũng viết những dòng này, có điều toàn bị chê là chữ xấu – À, mấy bữa nữa ta có một tiết bé tập tô đấy – (bé tập tô là cách thầy Linh gọi giờ kiểm tra trắc nghiệm ^^) – nhớ ôn bài cho kĩ!
– Em nản rồi thầy ạ!- Minh đột nhiên nói, so vai hít một hơi dài.
-Uh! – Thầy đáp hờ hững, chờ xác định rõ ý Minh muốn nói.
– Lớn thì có gì hay ho đâu thầy nhỉ?
– A! Té ra là em sợ lớn!- đến lúc này thì Linh bật cười nhìn Minh – Thế em tính sao? Bỏ thi đại học hay chủ động lưu ban lớp mười hai?
– Không phải… nhưng…. em thấy phía trước… vô nghĩa quá.
Linh hiểu “phía trước” của Minh nghĩa là gì. Có mộit lúc nào đó người ta chợt dừng lại, tự hỏi mình đang đi đâu, cố gắng vì cái gì, và nhận ra chẳng có nơi nào đẹp hơn chỗ mình đang đứng.
Nhưng đó đâu phải là lí do để trốn tránh. Mười tám tuổi, người ta lớn, người ta có trách nhiệm với xã hội, Chẳng thể bắt chước cô bạn thi đại học chín năm mà ăn bám bố mẹ! Thầy giáo cười, nụ cười láu lỉnh nhưng thấu suốt:
– Em thấy thầy có lớn không?
Minh nhìn thầy, băn khoăn không biết có nên nói thẳng ra không:
– Không ạ.
Linh vuốt lại tóc, hơi hếch mặt lên:
– Nhưng trưởng thành thì có chứ?
Minh cũng cười, gật đầu cái rụp. Tuyệt nhiên không hề do dự chút nào. Phải rồi, ngày mai, ngày kia… chắc chắn nó sẽ trưởng thành, nhưng nó biết nó vẫn có quyền giữ lại phần trẻ con rất đẹp trong mình. Bây giờ thì nó tin thế, vì đang đứng trước nó là một người chưa bao giờ lớn!
***
Những ngày cuối cùng của năm lớp mười hai, tất cả đều sống, chơi đùa, cười và yêu thương rất vội. Rồi họ sẽ từ biệt nơi này, đầy lưu luyến nhưng không hề hối tiếc. Ngôi trường úp lưng với nhà trẻ, có một thầy giám thị lùa học sinh ba vòng quanh sân trường nhưng qua hôm sau lại gửi tụi nhóc cùng lớp hộp dầu cho tên “vận động viên” bôi chân cho đỡ mỏi; Có một thầy giáo dạy thể dục (đôi khi) trèo tường và khuyến khích học sinh bắn bi, chơi cỏ gà, cầu trượt… Ngôi trường không sơ vin, không đồng phục, thẻ cũng gần như không. Họ đã lớn lên từ một nơi như thế.
Jnie