Hối hận vì một điều đã không làm
Năm đó, tôi mới tốt nghiệp cao đẳng, và là một trong những y tá nam trẻ nhất bệnh viện. Bệnh nhân ấy có đôi mắt rất buồn và sợ hãi. Khi thấy tôi nhìn, cô ấy nhanh chóng cúi xuống. Tờ giấy yêu cầu của bác sĩ mà cô ấy đưa cho tôi là đề nghị được xét nghiệm, với chẩn đoán bệnh AIDS.
Thông tin của cô không có trong hệ thống máy tính của bệnh viện, như vậy, hoặc là cô ấy đã rất khoẻ mạnh và chưa bao giờ phải đến viện, hai là cô ấy mới chuyển đến vùng này.
– Địa chỉ của cô? – Tôi hỏi.
– Phố 124B, căn hộ số 4 – Cô ấy đáp nhỏ.
– Số điện thoại?
– A… để tôi nghĩ… tôi vừa mới lắp điện thoại và còn chưa gọi thử lần nào… – Cô ấy nói và mỉm cười ngượng nghịu.
“Mới chuyển tới, sống ở một khu phố đơn giản, trong một căn hộ nhỏ không có nhiều tiện nghi” – Tôi nghĩ.
– Cô muốn ghi tên ai vào mục “liên lạc trong trường hợp khẩn cấp” vậy? – Tôi hỏi tiếp để hoàn thành bản đăng ký.
– Tôi… tôi có một người bạn sống ở… – Và cô ấy đọc tên một bang cách xa cả ngàn dặm.
Không có người thân ở gần – hoặc không muốn làm phiền đến người thân. Và lại mới bị chẩn đoán mắc HIV!
Khi tôi in bản đăng ký và đưa cho cô ấy ký tên, cô ấy nói rất nhỏ:
– Anh sẽ bảo họ… những người làm xét nghiệm ấy… thật cẩn thận chứ? Tôi không muốn ai chẳng may bị… – Giọng cô ấy hơi run.
– Không sao đâu cô – Tôi nói – Các bác sĩ luôn đi găng tay khi làm xét nghiệm. Đó là quy tắc.
Tôi thấy mắt cô ấy long lanh nước và môi hơi run, nhưng chỉ một chút thôi. Và cô ấy không khóc. Cô ấy dường như đang cố bảo mình phải can đảm.
Tôi mỉm cười, và nếu cô ấy đang đặt tay trên mặt quầy, tôi thực sự muốn vỗ vào tay cô ấy để an ủi. Tất nhiên tôi sẽ không nên làm thế, vả lại cô ấy đang co tay lại và để trong lòng. Tôi cũng muốn nói với cô ấy rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn, nhưng với căn bệnh này thì câu an ủi đó thật rỗng tuếch. Và sẽ là một lời nói dối.
Cho nên tôi chỉ bảo: “Để tôi đỡ cô đi”. Bình thường tôi chỉ đỡ những bệnh nhân thật sự cần sự hỗ trợ về thể chất. Nhưng không hiểu sao, tôi cảm thấy cô gái này rất đáng thương, dường như cô ấy không đáng phải chịu những gì cô ấy đang trải qua.
Tôi chỉ đường đến phòng xét nghiệm và đỡ tay cô ấy. Chúng tôi chỉ nói với nhau vài chuyện lặt vặt, vì tôi không được phép, và có lẽ cũng không nên, hỏi về nguyên nhân căn bệnh mà cô ấy bị chẩn đoán. Khi tôi mở cánh cửa cho cô ấy vào khu chờ của phòng xét nghiệm, cô ấy dừng lại một chút và nhìn tôi. Tôi cảm thấy muốn nhẹ nhàng ôm lấy cô ấy một chút để trấn an, để cô ấy biết rằng vẫn có người quan tâm đến mình. Nhưng một y tá không nên làm như vậy với một bệnh nhân – tôi nghĩ thế.
– Cô hãy giữ sức khoẻ – Cuối cùng, tôi chỉ nói như vậy.
– Chắc chắn rồi, cảm ơn anh.
Và sau lần đó, tôi không bao giờ gặp lại bệnh nhân đó nữa.
Có một số chúng ta khi nghĩ lại quá khứ sẽ tiếc vì một số điều chúng ta đã làm. Và một số khác thì lại tiếc vì những gì chúng ta đã không làm. Như tôi, tôi đã rất hối hận vì đã không cho đi một cái ôm – một cử chỉ đơn giản, nhưng lại cho thấy sự quan tâm sâu sắc. Tôi tin rằng có 10 ngày hay 10.000 ngày nữa, tôi cũng vẫn sẽ không hết day dứt vì một điều tử tế mà mình đã không làm.