Cậu bé gọt khoai tây
Năm đó, tôi 17 tuổi, chỉ là cậu bé mồ côi làm công việc gọt khoai tây trong một bếp ăn quân đội. Những người lính oai phong đến đây không một anh lính nào giơ tay chào tôi, cũng chẳng có vị sĩ quan nào khen ngợi tôi. Thực tế, chẳng có ai biết đến sự tồn tại của tôi.
Hình như tôi là người duy nhất cảm thấy công việc của mình là quan trọng. Những ngón tay của tôi đôi khi bị chảy máu vì con dao sắc bị trượt đi, và để lại những vết sẹo đậm nét. Nhưng tôi vẫn chăm chỉ làm việc. Khi những chiếc xô đã đầy đến tận ngọn khoai tây – món ăn giàu dinh dưỡng dành cho những vị anh hùng quân đội, thì cũng là lúc cơ thể 17 tuổi gầy gò của tôi cứng đờ, nhức mỏi. Tuy nhiên, vẫn còn phải kéo những xô khoai tây đó tới chỗ bác đầu bếp to béo. Rồi bác ấy sẽ bỏ khoai tây vào cái nồi hầm to như thùng phi.
– Chúng ta có thể ăn tối sau khi dọn dẹp sạch sẽ cái phòng ăn bừa bãi này – Bác ấy bảo tôi như thế.
– Tại sao chúng ta lại không quan trọng như những người khác, hả bác? – Tôi hỏi. Bác ấy nhìn lại tôi, im lặng.
Khi tôi quay đi, chợt bác ấy bảo:
– Con rất quan trọng đối với ta, cậu bé ạ. Không có con thì ta không làm được nhiều việc như thế này đâu.
– Con biết… nhưng không có chúng ta thì những anh hùng quân đội cũng không thể làm được hết việc của họ – Tôi đáp.
Bác đầu bếp ngừng khuấy cái nồi lớn, có vẻ suy nghĩ. Rồi bác đặt cái muôi gỗ to như một mái chèo xuống bàn và lại gần máy điện thoại. Sau khi nói chuyện với ai đó vài phút, bác gác máy và ra hiệu cho tôi đi theo.
Năm phút sau, tôi, cậu bé gọt khoai tây, và bác đầu bếp đã đứng trong căn phòng của sếp lớn – ngài đại tá.
Bác bếp nói rất quyết liệt.
– Chúng tôi sẽ không chấp nhận ăn thức ăn thừa và nguội ngắt sau khi những người khác đã ăn xong. Chúng tôi cũng không cần phải dọn hết hội trường, để rồi đèn bị tắt và chúng tôi chỉ được ăn trong ánh sáng đèn dầu. Chúng tôi cần được đối xử một cách tôn trọng. Cả tôi, cả cậu bé này, cả những người lo việc hậu cần trong nhà vệ sinh nữa. Chúng ta không thể để cậu bé này lớn lên trong cảm giác bị coi thường và rồi trở thành một con người sống đầy tự ti và không thể đạt được những gì đáng ra cậu ta có thể – Bác đầu bếp nói một hơi.
Vị đại tá nhìn chúng tôi, trầm ngâm. Và rồi ông nói giản dị:
– Tôi sẽ sắp xếp để được như vậy!
Và khi tôi với bác đầu bếp định bước đi, thì ông bỗng giơ tay lên ngang trán, chào chúng tôi theo kiểu quân đội. Bác đầu bếp mỉm cười, rồi chúng tôi chào lại đúng theo cách như thế, và cả ba chúng tôi quay lại làm những công việc của riêng mình.
Rồi tôi lớn lên, trở thành một nhà văn, một điều mà tôi có thể. Tôi vẫn luôn biết ơn bác đầu bếp và cả vị đại tá vì họ đã lắng tai nghe một tiếng nói rất nhỏ nhoi từ một người rất nhỏ nhoi.
Nghĩ lớn rồi làm lớn đâu có ích gì, nếu bạn lãng quên từng con người bé nhỏ?
Roger Dean Kiser
Thục Hân (dịch)