Xin hãy giúp đỡ!
Năm học lớp 10, tôi đi làm tình nguyện, kỳ cạch gõ cửa từng nhà để bán những “tấm vé từ thiện”. Thực ra không phải là bán, mà là khi ai đó quyên góp 1 đôla, tôi sẽ tặng lại một tấm vé có thể đổi lấy một suất xúc xích hoặc bánh sandwich trị giá 1,50 đôla tại hội chợ tuần tới.
– Xin hãy quyên góp 1 đôla cho chương trình từ thiện Mùa Xuân và nhận một tấm vé đổi lấy suất xúc xích trị giá 1,50 đôla ạ! – Tôi nói thế với tất cả những người ló mặt ra từ những ngôi nhà mà tôi bấm chuông, hoặc với cả những người đang đi trên đường.
Trong một ngày mà tôi gặp và nói câu đó với hàng trăm người. Một số người quyên góp 1 đôla và nhận tấm vé, một số người đưa nhiều hơn. Một số người hào quyên góp đến 5 hoặc 10 đôla mà không nhận vé. Tôi thật sự ấn tượng về sự hào phóng của mọi người.
Khi đến trước cửa rạp chiếu phim, tôi mời luôn khách xem phim. Cách này có vẻ hiệu quả, vì đi xem phim ai cũng rủng rỉnh tiền, và khi mua bắp rang, họ hay có tiền lẻ để quyên góp.
Thế rồi, tôi nhìn thấy một nhóm khoảng 6-8 người đàn ông, mặc đồng phục của nhà máy nông phẩm của Tây Ban Nha gần đó, bước tới. Đó là những người nhập cư, nhà máy đó thuê lao động nhập cư cho rẻ. Họ phải làm việc tay chân ngoài trời, chịu thu nhập thấp, sống trong những khu nhà tạm bợ. Tôi nghĩ họ quá nghèo, lại chẳng biết tiếng Anh để tôi có thể giải thích về mục đích từ thiện cũng như khỏan lãi 50 xu nho nhỏ tại hội chợ, cho nên tôi quyết định… cứ để họ đi qua.
Nhưng khi đến chỗ tôi, họ dừng lại, tò mò nhìn chăm chú khi thấy những người khác đưa tiền cho tôi và nhận những tấm vé. Rồi họ nhìn tôi, có vẻ dò hỏi.
Tôi hơi ngần ngại. Tôi biết họ làm việc vất vả trên những cánh đồng, dưới ánh nắng gay gắt hoặc trong cái lạnh buốt da. Tôi biết, với họ vài xu cũng là quý giá. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng đây là những người xứng đáng nhận được sự tôn trọng như tất cả những người khác, ngay cả khi sự tôn trọng đó có nghĩa là… một lời mời quyên góp. Rõ ràng, tôi đã tỏ ra không tôn trọng họ khi coi họ là những người “không cần phải mời” vì “chẳng được cái gì đâu”.
Tiếng Tây Ban Nha của tôi rất kém. Nhưng tôi biết hai từ ngắn ngủi của tiếng Tây Ban Nha. Tôi bước lại gần họ và nói: “Por favor” – Xin hãy giúp đỡ. Và tôi không nói thêm gì nữa.
Hai người trong nhóm lập tức dừng lại, nhìn tôi cười rạng rỡ. Và không nói gì, mỗi người đưa cho tôi 1 đôla – 1 đôla mà có lẽ họ đã kiếm được bằng công việc hái ngô trên cánh đồng trong bất kỳ thời tiết nào. Họ cẩn thận đỡ lấy tấm vé tôi đưa.
Cuối tuần sau đó, tôi không thấy họ đến kiốt bán thức ăn nhanh của chúng tôi ở hội chợ để đổi lấy xúc xích. Có lẽ họ còn bận làm việc trên những cánh đồng hoặc trong nhà máy.
Công việc tình nguyện mùa xuân đó đã tặng tôi một hiểu biết vô giá về con người. Dù chúng ta có sinh ra trong những hòan cảnh khác nhau, đủ đầy hay thiếu thốn, nhưng bất kỳ ai cũng mở rộng trái tim mình khi nghe câu nói giản đơn “Xin hãy giúp đỡ!”, mà không cần nhận lại bất kỳ điều gì. Và bởi điều đó, mỗi người đều cần được tôn trọng.
Vance Agee
Thục Hân (dịch)